C3: Đội trưởng điều khiển bằng cách nào?

Nếu có Huynh Trưởng nào bảo rằng: "Khi cử các đội trưởng, tôi đã theo đúng cách thức của Baden Powell bày. Nhưng rồi thực sự, các em ấy vẫn không điều khiển được các Đội. Rốt cục, chính tôi lại phải làm tất mọi việc". Thì chúng tôi xin trả lời rằng: phận sự chính yếu của Huynh Trưởng là phải xét thử những đội trưởng có đủ sc điều khiển Đội của họ hay không.

"Biết, tức là làm được" nhất là đối với trẻ em.

Một đội trưởng chỉ biết lý thuyết mà thôi, thì không thể nào có uy tín được. Một thiếu sinh nhiều kiến thức, và đồng thời có nhiều kinh nghiệm thực tế, tất phải được chúng bạn kính nể. Nếu được, anh chọn thiếu sinh ấy làm đội trưởng. Nếu không tìm ra, anh nên tạo ra một thiếu sinh như thế.

Phương pháp thông thường để đào tạo những vị chỉ huy xứng đáng là làm thế nào để các đội trưởng và đội phó có thể dễ dàng thâu thập tài liệu về mọi vấn đề.

Bao nhiêu hiểu biết trên có thể thâu hoạch được:
  • Bằng kinh nghiệm riêng của từng người
  • Bằng những lời khuyên nhủ và giảng dạy
  • Bằng sách báo
Tạo được một thư viện nhỏ dành tiêng cho các vị thủ lãnh trẻ tuổi là một việc rất hay, rất quý.

Thư viện ấy không cần trên 12 cuốn sách. Tưởng chỉ cần:
  • Vài bổn sách "Hướng Đạo cho trẻ em", (Scouting for Boys) của BP.
  • Quy trình và Nội lệ của Hội Hướng Đạo
  • Vài cuốn sách giáo dục luân lý, tinh thần.
  • Ít cuốn sách về kỹ thuật H-Đ: cấp cứu, làm nút, làm cầu, thông tin, trò chơi, dấu đi đường, cắm trại.
Những sách ấy không phải dùng tô điểm Đoàn quán, và không phải làm mồi cho bụi bặm: nếu thế thì tinh thần của các Huynh Trưởng sẽ bị suy đồi.

Chúng tôi xin đề nghị thêm nên mua dài hạn các tạp chí chính thức của Hội Hướng Đạo.

Ngoài sách vở, các đội trưởng còn cần nhờ đến các Huynh Trưởng chỉ giáo thêm. Các đội trưởng phải tiếp xúc hỏi han các Huynh Trưởng tại nhà tư hoặc trong các buổi họp riêng, mở thường xuyên mỗi tuần trong Đoàn quán.

Không ai bắt buộc người Huynh Trưởng phải là một pho bách khoa tự điển sống, nhưng người Huynh Trưởng cần phải đủ thông minh để tìm hỏi kẻ khác mọi vấn đề mình chưa thông thạo.

Theo B.P, công việc Huynh Trưởng chẳng những chỉ dạy về các Hướng Đạo Sinh mà còn phải gây cho họ tham vọng học hỏi. Huynh Trường cần phải gieo và tâm trí Hướng Đạo Sinh ý muốn hiểu biết. 

Một đội trưởng có hôm quên cái gút (nút) ghế mà không dám hỏi Đoàn Trưởng vì em sợ bị chế nhạo. Như thế, về phần em Đội Trường, thì cũng chẳng đáng khen. Nhưng về phần anh Đoàn Trưởng ấy, thì ta nghĩ sao?

Thường thường, những em đội phó cũng được học hỏi như các em đội trưởng.

Lắm khi, các em đội phó được lên thay đội trưởng

Những thủ lãnh trẻ tuổi này không những chỉ học về lý thuyết của phương pháp Hướng Đạo, nhưng lại cần đem ra thực hành phương pháp ấy nữa.

Đoàn trưởng nên tổ chức một đội kiểu mẫu gồm những Đội Trưởng và Đội Phó và chính anh Đoàn Trưởng lại là Đội Trưởng kiểu mẫu đó. Đội này có thể chuyên chú học một ngành để thi: cấp HĐ hạng nhất, huy hiệu chuyên môn, cắm trại, hiểu biết núi rừng, v.v...

Những đội trưởng chắc nhờ đó mà tăng thêm tầm hiểu biết, và sẽ đủ sức dạy lại đội sinh mình.

Tưởng rằng các đội trưởng, với chức vụ hiện tại, phải xem như mình đang dự bị để lãnh trách nhiệm Đoàn Trưởng về sau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI

C1: Phương pháp hàng đội

C6: Hội đồng Minh Nghĩa